CHUYẾN HÀNG DỆT MAY ĐẶC BIỆT SANG NHẬT BẢN SỚM HƠN SO VỚI DỰ ĐỊNH

Posted on News 1837 lượt xem

Chuyến hàng viện trợ đầu tiên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đã xuất đi ngày 28/4/2011 đã đến Nhật Bản. Đây là chuyến hàng viện trợ đặc biệt khoảng 8 tấn hàng, với tổng trị giá 160.000 USD toàn hàng dệt may, được hoàn thành trong thời gian chưa đầy 2 tuần từ khi nhận được chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Chia sẻ

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ động đất lịch sử của Nhật Bản, dẫn đến thảm họa sóng thần, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống của người dân Nhật Bản, ngày 18/3/2011, Vinatex đã chuyển khoản tiền 100.000 USD hỗ trợ nhân dân Nhật Bản và gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ Nhật Bản thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam, với tinh thần “tương thân, tương ái”, toàn thể CBCNVC-LĐ động trong ngành đã tự nguyện ủng hộ mỗi người một ngày lương để góp phần làm giảm bớt nỗi đau mất mát mà người dân, đất nước Nhật Bản đang phải gánh chịu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Ban Tài chính kế toán của Vinatex, tính đến ngày 4/5/2011, số tiền các doanh nghiệp dệt may ủng hộ Nhật Bản thông qua Vitas được hơn 1 tỉ đồng; còn qua Vinatex là hơn 1,7 tỉ đồng. Con số này vẫn tiếp tục tăng mỗi ngày và được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn.

Trong buổi tiếp nhận số tiền 100.000 USD do ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch HĐTV Vinatex, đại diện ngành Dệt May Việt Nam trực tiếp trao tặng,ông Tanidaki Iasuaki – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã rất xúc động về những nghĩa cử cao đẹp mà nhân dân Việt Nam nói chung và của CBCNV-LĐ ngành dệt may nói riêng dành cho Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. Ông cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng CBCNV-LĐ ngành dệt may đã kịp thời động viên, chia sẻ với Nhật Bản về những mất mát của thảm họa vừa qua.

Tin cậy

về thị trường Nhật Bản trong những ngày này, ông Lê Tiến Trường – Thành viên hội đồng thành viên, Phó Tổng giám đốc thường trực Vinatex cho biết: Nhật Bản là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam, tuy nhiên cũng chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, nếu có ảnh hưởng thì tỉ trọng cũng không lớn lắm, không đáng lo ngại.

Thực tế nhu cầu hàng may mặc của Nhật Bản gần như không bị ảnh hưởng bởi động đất. Vì đây là mặt hàng thiết yếu, không thuộc nhóm hàng xa xỉ để nghĩ đến cắt giảm tiêu dùng khi khó khăn. Bản thân người Nhật, với bản chất cần kiệm thì ngay trong tiêu dùng hàng dệt may, để có các đơn đặt hàng cũng đã phải thật sự cần thiết và chắc chắn. Đợt thiên tai vừa qua, thậm chí một số chủng loại như quần áo BHLĐ, khăn, quần áo lót… nhu cầu còn tăng.

Nhằm đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài giữa hai nước trong lĩnh vực dệt may, đồng thời, nhân dịp này chứng tỏ mình cũng là đối tác tin cậy, không chỉ về chất lượng, tiến độ, mà còn thủy chung trong lúc bạn gặp khó khăn, Vinatex đã chỉ đạo chung các đơn vị vẫn giao hàng bình thường, cam kết giao hàng đúng tiến độ, thậm chí sớm hơn chứ không vì lo ngại về khả năng thanh toán mà đình đơn hàng.
Các đơn vị đã có mối quan hệ lâu năm với Nhật Bản đều thể hiện thiện chí của mình với các đơn hàng xuất phát từ Nhật Bản. Trong đó, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Doximex) là một ví dụ. Có quan hệ làm ăn với Nhật Bản từ cách đây hơn 20 năm trong một thỏa thuận hợp tác 30 năm, kéo dài từ năm 1989 đến năm 2019, trong những năm gần đây, 90% kim ngạch xuất khẩu của Doximex là từ các hợp đồng với đối tác Nhật Bản. Do đó, đợt thiên tai này, CBCNV của Dệt kim Đông Xuân đã đóng góp được 208,65 triệu đồng ủng hộ người dân xứ sở Hoa Anh Đào. Bà Trương Thị Thanh Hà – Tổng giám đốc Doximex cho biết, Công ty luôn luôn đáp ứng mọi yêu cầu của đối tác Nhật Bản và đặc biệt chú trọng đến thời hạn giao hàng trong thời điểm này. Đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, giá bán hợp lý, giao hàng đầy đủ, đúng tiến độ.

Nỗ lực

Trong nỗ lực khắc phục thảm họa, mới đây, phía Nhật Bản đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ một số sản phẩm may mặc, đồ gia dụng dùng một lần, dự kiến kế hoạch giao hàng là ngày 15/5/2011. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Vũ Huy Hoàng đã giao Vinatex khẩn trương triển khai đơn hàng đặc biệt này. Chỉ trong chưa đầy 15 ngày triển khai, chuyến hàng đầu tiên đã có mặt tại Nhật Bản ngày 29/4/2011 với 6 chủng loại, gồm 24.000 áo nam, nữ; 24.000 bộ lót nam, nữ; 4.500 bộ lót trẻ em; 30.000 khăn tắm; 30.000 đôi tất; 30.000 đôi đũa dùng một lần (không phải hàng dệt may nhưng tiện chuyến hàng nên Vinatex mua giúp). Ông Lê Tiến Trường cho biết, đây là chuyến hàng đặc biệt, mang nặng tính chất nhân đạo, nên giá bán được tính trên cơ sở giá thành sản xuất cộng chi phí vận chuyển chứ không phải là giá thương mại.

Việc Tập đoàn Dệt May Việt Nam giao hàng sớm hơn thời hạn dự kiến tới nửa tháng (trong đó quá nửa thời gian là dành cho phía bạn chọn mẫu) đã thể hiện nỗ lực đặc biệt của các đơn vị thành viên trong Vinatex. Ngay Bộ Công Thương và sứ quán Nhật Bản cũng không ngờ, Vinatex lại có thể đáp ứng nhanh như vậy. Phương án đầu tiên được nghĩ đến là chia làm nhiều đợt, gom hàng đến đâu xuất luôn đến đấy để đáp ứng nhu cầu của phía bạn, nhưng với nỗ lực vượt bậc, 3 đơn vị được lựa chọn là Tổng Công ty Dệt May Hà Nội (Hanosimex), Dệt kim Đông Xuân và Dệt kim Đông Phương đã tập trung sản xuất đủ số lượng hàng theo yêu cầu để xuất.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần triển khai nhanh đơn hàng đặc biệt này là sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc tạo một cơ chế đặc biệt, bỏ qua khâu đấu thầu, đấu giá… lâu nay vốn mất nhiều thời gian. Như vậy, có thể nói chỉ trong một thời gian ngắn, với sự phối hợp tích cực, có hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng công ty hàng không Việt Nam… dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách khẩn trương, bảo đảm kịp thời và đáp ứng tốt những nhu cầu hỗ trợ của phía bạn. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá rất cao nỗ lực của dệt may, bà Thoa cho biết: Với kết quả này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Công Thương giao cho, mà qua đó còn thể hiện tình cảm tốt đẹp trong mối quan hệ với các bạn Nhật Bản, chia sẻ với bạn những khó khăn mất mát mà bạn đang phải từng ngày đối mặt. Bộ rất hoàn nghênh tinh thần nỗ lực của Vinatex và mong muốn các đơn vị khác tiếp tục quan tâm tới Nhật Bản trong thời gian tới để đảm bảo mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp giữa hai nước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *